- Hỏi: Xin cho biết các văn bản pháp quy liên quan đến miễn, giảm học phí?.
- Trả lời: Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 Hướng dẫn thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP & Nghị định 74/2013/NĐ-CP.
- Hỏi: Việc miễn, giảm học phí cho SV áp dụng như thế nào?.
- Trả lời: Từ năm học 2013-2014 trở đi, việc miễn, giảm học phí cho SV được thực hiện tại trường nơi SV đang học tập.
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được miễn học phí?.
- Trả lời: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. SV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa. SV bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. SV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. SV là người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (nước ta có 16 dân tộc rất ít người có dân số dưới 10.000 người gồm: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu). SV sư phạm (SV học chương trình đào tạo giáo viên kỹ thuật).
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được giảm 50% học phí?.
- Trả lời: SV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
- Hỏi: Xin cho biết việc giảm 70% học phí cho SV học các ngành nặng nhọc, độc hại áp dụng như thế nào?.
- Trả lời: Việc giảm 70% học phí cho học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại chỉ áp dụng cho hệ thống các trường nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh & xã hội. SV học các ngành của trường Đại học SPKT Tp. Hồ Chí Minh không thuộc diện giảm 70% học phí.
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo?.
- Trả lời: Các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo: SV là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, hưởng chính sách như thương binh; SV là con liệt sỹ, con thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh…
- Hỏi: Để được cấp sổ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, SV phải làm thủ tục gì?.
- Trả lời: SV liên hệ Phòng Lao động Thương binh & Xã hội địa phương (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) để được hướng dẫn làm các thủ tục & nhận sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo.
- Hỏi: Để được nhận tiền ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, SV phải làm gì?.
- Trả lời: Theo học kỳ, SV trình sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo tại phòng Công tác SV để Nhà trường xác nhận vào sổ. Sau đó SV nộp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo cho địa phương (phòng Lao động Thương binh & Xã hội cấp huyện, quận). SV nhận tiền trợ cấp ưu đãi tại địa phương.
- Hỏi: Đề nghị cho biết các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội và mức trợ cấp hàng tháng?.
- Trả lời: Có bốn đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội với mức trợ cấp hàng tháng như sau: SV là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước (a), mức trợ cấp: 140.000đ/tháng; SV mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (b); SV bị tàn tật giảm khả năng lao động từ 41% trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (C); SV thuộc gia đình hộ đói (d), mức trợ cấp đều là: 100.000đ/tháng.
- Hỏi: Để được hưởng trợ cấp xã hội, SV phải nộp hồ sơ gồm các giấy tờ gì?.
- Trả lời: SV phải nộp hồ sơ, gồm: Đơn xét hưởng trợ cấp xã hội theo mẫu (nhận mẫu đơn tại khoa/TT hoặc downloat trên mạng của trường); Bản sao giấy khai sinh;Bản sao hộ khẩu, giấy xác nhận của địa phương về thời gian thường trú (đối tượng mục a); giấy chứng tử của cha mẹ (đối tượng mục b); biên bản giám định của Hội đồng Y khoa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối tượng mục c); giấy xác nhận của địa phương về hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn (đối tượng mục b,c); sổ hộ đói (đối tượng mục d).
- Hỏi: Xin cho biết địa điểm, thời gian nộp hồ sơ?
- Trả lời: SV nộp hồ sơ xét trợ cấp xã hội vào 02 tháng đầu mỗi học kỳ tại khoa/TT. Các khoa/TT xét, lập danh sách & chuyển hồ sơ về phòng Công tác SV vào đầu tháng 3 và tháng 11 hàng năm.
Việc nhận và xét hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cho SV được tiến hành theo từng học kỳ. SV hoàn tầt hồ sơ ở học kỳ nào, được hưởng trợ cấp xã hội từ học kỳ đó trở đi. Không giải quyết truy hưởng của học kỳ trước.
- Hỏi: Mỗi học kỳ, SV được nhận tiền hưởng trợ cấp xã hội là mấy tháng?.
- Trả lời: SV được nhận tiền hưởng trợ cấp xã hội 06 tháng/học kỳ; 12 tháng/năm.
- Hỏi: SV nhận tiền trợ cấp xã hội tại trường hay ở địa phương?.
- Trả lời: SV nhận trợ cấp xã hội tại Trường, không nhận ở địa phương. Phòng Kế hoạch Tài chính thực hiện việc chi trợ cấp xã hội qua tài khoản Ngân hàng của SV.
- Hỏi: Xin cho biết ngoài trợ cấp của nhà nước, hàng năm Trường có trợ cấp cho SV không?.
- Trả lời: Hàng năm Nhà trường dành khoảng năm trăm triệu đồng để trợ cấp cho SV có hoàn cảnh khó khăn, SV năm trong vùng bị thiên tai,…
HỌC BỔNG DÀNH CHO SV
- Hỏi: Xin cho biết đối tượng, tiêu chuẩn xét cấp học bổng khuyến khích học tập?.
- Trả lời: SV hệ chính quy trình độ đại học, cao đẳng học đúng tiến độ; có số tín chỉ đăng ký học & dự thi học kỳ ≥ 15 (trường hợp vì lý do tổ chức đào tạo, cả lớp có số tín chỉ < 15; hoặc ở học kỳ cuối khóa, SV đăng ký hết các môn học mà số tín chỉ vẫn < 15, khoa/TT phối hợp với phòng Công tác SV trình Hiệu trưởng xem xét quyết định); có kết quả học tập & rèn luyện học kỳ đạt từ loại khá trở lên; không có điểm tổng kết môn học trong học kỳ <5 (đối với các môn Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng không có điểm thi lần 1 <5); không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
- Hỏi: Xin cho biết mức (suất/tháng) học bổng khuyến khích học tập của từng loại là bao nhiêu?.
- Trả lời: Mức học bổng tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành nghề mà SV phải đóng (Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT) đối với SV hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp).
Mức học bổng đang áp dụng tại Trường như sau: loại khá: 650.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo đại học; 500.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo cao đẳng. Học bổng loại khá được cấp cho những SV có điểm trung bình chung học tập xếp hạng khá trở lên (từ 7,00 điểm trở lên), điểm rèn luyện đạt loại khá trở lên (từ 70 điểm trở lên) và nằm trong chỉ tiêu quỹ học bổng cho phép. Mức học bổng loại giỏi: 800.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo đại học; 650.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo cao đẳng. Học bổng loại giỏi được cấp cho những SV có điểm trung bình chung học tập xếp hạng giỏi (từ 8,50 đến 10 điểm), điểm rèn luyện đạt loại xuất sắc (từ 90 đến 100 điểm) và nằm trong chỉ tiêu quỹ học học bổng cho phép.
- Hỏi: Xin cho biết chính sách khuyến tài của Nhà trường?.
- Trả lời: Trong những năm gần đây Nhà trường áp dụng chính sách “chiêu hiền đãi sỹ như sau: Cấp học bổng khuyến tài cho những TS trúng tuyển nhập học có kết quả tổng điểm 3 môn thi đạt từ 25 điểm trở lên (điểm thi 3 môn chưa nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên, điểm thưởng), cứ mỗi điểm 1.000.000đ (một triệu đồng).
Cấp học bổng tài năng hệ đào tạo chất lượng cao cho TS đạt danh hiệu thủ khoa ngành (thí sinh dự thi vào trường và có tổng điểm thi (không tính ưu tiên) cao nhất ngành trúng tuyển): Thí sinh đạt danh hiệu thủ khoa ngành đăng ký học hệ đào tạo chất lượng cao được trường cấp học bổng tài năng với mức 25.000.000đ/SV (16 ngành). Nếu SV đạt điểm cao, hưởng cả 2 loại học bổng.
- Hỏi: Xin cho biết đối tượng, tiêu chuẩn & quy trình xét cấp học bổng tài trợ?.
- Trả lời: Đối tượng xét cấp, ưu tiên SV có hoàn cảnh khó khăn, đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Tiêu chí cụ thể do đơn vị tài trợ học bổng đề xuất. Chỉ tiêu, cấp theo khoa/TT và yêu cầu của đơn vị tài trợ (nếu có). Quy trình: SV nộp hồ xin xét, cấp học bổng tài trợ tại khoa/TT; Các khoa/TT xét, lập danh sách & chuyển hồ sơ về phòng Công tác SV trong thời gian quy định; Phòng Công tác SV tổng hợp và trình Hiệu trưởng xem xét và ra quyết định cấp học bổng tài trợ cho SV.
SV ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH SƯ PHẠM KỸ THUẬT
- Hỏi: Xin cho biết những đối tượng nào được phép đăng ký tham gia Chương trình SPKT?.
- Trả lời: SV hệ đại học chính quy (từ HS phổ thông) thuộc các ngành có triển khai chương trình sư phạm kỹ thuật tự nguyện đăng ký học chương trình sư phạm kỹ thuật & cam kết phục vụ ngành Giáo dục & Đào tạo sau khi tốt nghiệp.
Các chương trình SPKT: SPKT Điện tử TT; SPKT Điện, điện tử; SPKT cơ khí; SPKT Công nghiệp; SPKT Cơ điện tử; SPKT Ô tô; SPKT Nhiệt; SPKT Xây dựng; SPKT Công nghệ may; SPKT CN thực phẩm; SPKT CN Thông tin; SP tiếng Anh
- Hỏi: Xin cho biết quyền lợi & trách nhiệm của SV tham gia Chương trình SPKT?.
- Trả lời: SV được Hiệu trưởng ra quyết định công nhận đủ điều kiện đăng ký học chương trình sư phạm kỹ thuật & cam kết phục phụ ngành Giáo dục và đào tạo sau khi tốt nghiệp, được miễn học phí trong quá trình đào tạo; đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện sự phân công công tác trong ngành giáo dục & đào tạo. Trường hợp SV từ chối sự phân công của tổ chức sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng học phí trong thời gian học tại trường.